Xuất khẩu gạo tăng mạnh, giá cao nhất trong nhiều năm
|
Đây chính là tiền đề để nhiều doanh nghiệp lúa gạo khôi phục sản xuất, đàm phán hợp đồng và tăng xuất khẩu (XK). Ước tính của Bộ Công Thương, XK gạo của Việt Nam trong tháng 5/2020 tăng mạnh 47% về lượng và 55,3% về trị giá so với tháng 4/2020, đồng thời tăng 11,7% về lượng và 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 750 nghìn tấn, trị giá 395 triệu USD.
Đáng chú ý, giá XK gạo của Việt Nam trong tháng 5/2020 cũng tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua với giá bình quân đạt 527 USD/tấn, tăng 5,6% so với tháng 4/2020 và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 5 tháng đầu năm 2020, giá XK gạo của nước ta đã tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 485 USD/tấn.
Với mức giá cạnh tranh và XK đang tăng mạnh trở lại sau khi gỡ bỏ hạn ngạch, Việt Nam có cơ hội lớn để vượt qua Thái Lan về XK gạo toàn cầu ngay trong năm nay. Theo Bộ Thương mại Thái Lan, XK gạo của nước này trong 4 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 2,11 triệu tấn, trị giá 43,046 triệu baht (1,387 tỷ USD), giảm mạnh 32,1% về lượng và 15,7% về trị giá so với mức 3,11 triệu tấn trị giá 51,07 triệu baht (1,62 triệu USD) của cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, XK gạo đang đứng trước cơ hội lớn khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sắp có hiệu lực. Theo các doanh nghiệp XK gạo, EVFTA có hiệu lực có thể không khiến kim ngạch XK gạo tăng đột biến, song sẽ là cơ hội rất lớn để đa dạng hóa thị trường cho gạo XK. Việc có mặt ở một trong những thị trường có đòi hỏi cao nhất thế giới cũng là cơ hội cho gạo Việt Nam quảng bá thương hiệu và vào được nhiều thị trường khác.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, mặc dù hạn ngạch XK gạo sang EU chỉ 80.000 tấn nhưng gạo xuất qua thị trường này là sản phẩm chất lượng cao. Đặc biệt, các tiêu chuẩn của thị trường EU rất cao nên khi gạo Việt vào được EU thì vị thế sẽ được nâng cao hơn trên thị trường quốc tế.
Cùng với EVFTA, năm 2020, một số thuận lợi khác cũng đến với gạo Việt khi trong khuôn khổ tham vấn song phương với Hàn Quốc về việc nước này thuế hóa mặt hàng gạo trong khuôn khổ WTO, Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc hai văn bản là Thỏa thuận nhiều bên giữa Hàn Quốc và 5 đối tác WTO (gồm Australia, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam), về việc phân bổ hạn ngạch thuế quan; Thư trao đổi song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc về phân bổ hạn ngạch thuế quan.
Theo đó, kể từ ngày 1/1/2020, bên cạnh việc phân bổ 20 nghìn tấn gạo cho tất cả thành viên WTO, Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch riêng là 55.112 tấn gạo. Lượng hạn ngạch phân bổ cho Việt Nam bao gồm các loại gạo mà Việt Nam có thể trồng và XK.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 496 triệu tấn, giảm 0,6% so với năm 2019, trong khi tiêu dùng gạo thế giới đạt 490 triệu tấn, tăng khoảng 0,9% so với năm 2019. Chưa kể thế giới đang phải ứng phó với dịch COVID-19 nên nhiều nước đã tăng thu mua lúa gạo dự trữ.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng dự bảo trong niên vụ 2020/2021, diện tích trồng lúa trên toàn cầu sẽ tăng 1,5% so với niên vụ trước và đạt 163 triệu ha. Diện tích này chỉ thấp hơn 0,3 triệu ha so với mức cao kỷ lục lịch sử đạt được vào niên vụ 2016/2017.
Với diện tích như trên, cộng với việc tăng năng suất bình quân trên toàn thế giới, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2020/2021 dự kiến sẽ đạt kỷ lục 502 triệu tấn, tăng gần 2% so với dự báo trước đó và tăng khoảng 3,8 triệu tấn so với niên vụ trước.
Thương mại gạo toàn cầu năm 2021 dự báo sẽ đạt 45,2 triệu tấn, tăng hơn 5% so với năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn gần 3 triệu tấn của mức kỷ lục 48,1 triệu tấn năm 2017. Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng dự báo xuất khẩu gạo của Thái Lan, Việt Nam, Australia, Campuchia và Trung Quốc sẽ tăng trong năm 2021.
Về nhập khẩu, dự báo Philippines sẽ tăng lượng nhập thêm 800.000 tấn trong năm 2021. Các thị trường như Nigeria, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất dự báo sẽ tăng nhập khẩu thêm 200.000 tấn gạo mỗi nước…
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc, trao đổi và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam để triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động XK gạo (thủ tục, logistics, tín dụng…).
Đáng lưu ý, Bộ Công Thương sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình cung cầu gạo trong nước và quốc tế; dự báo động thái của các nước XK, nhập khẩu gạo lớn trên thế giới, diễn biến dịch bệnh và thiên tai để kịp thời ứng phó với các thay đổi và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án điều hành phù hợp với tình hình ổn định mới trong bối cảnh dịch bệnh.
Thu Hà