Vào chuỗi toàn cầu, chỉ làm hộp carton, bao nilon
Đó là thực trạng được các doanh nghiệp cung ứng Việt Nam và các doanh nghiệp FDI giãi bày khi được nói về phát triển bền vững chuỗi giá trị để đầu tư làm ăn lâu dài ở Việt Nam
Nhà cung ứng Việt chỉ làm bao bì, nhựa
Bà Đào Thị Thu Huyền, Công ty TNHH Canon Việt Nam, cho biết trong số hàng trăm nhà cung cấp cho Canon Việt Nam, chỉ có 20 nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt Nam. Con số này chưa hề tăng lên trong mấy năm nay.
Tỷ lệ nội địa hóa của Canon Việt Nam ở con số khá cao là 65%, nhưng chủ yếu là đến từ các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và sản xuất tự thân của Canon.
Doanh nghiệp Việt đang cố chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: L.Bằng
Trong số các doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho các DN FDI, chủ yếu là các doanh nghiệp làm nhựa, bao bì đóng gói, linh kiện in ấn,... Điều này, theo bà Đào Thị Thu Huyền, là điểm cần phải lưu ý.Đại diện mua hàng của Công ty Samsung Việt Nam cũng chia sẻ, từ năm 2015 đến nay, Samsung nỗ lực phát triển nhà cung ứng ở Việt Nam. Hiện Samsung có 679 doanh nghiệp cung ứng, song đây vẫn là con số khiêm tốn. Cuối năm 2020, Samsung phấn đấu có khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam làm nhà cung cấp cấp 1 (tức trực tiếp bán hàng cho Samsung Việt Nam, không qua trung gian).
“Canon luôn tìm kiếm nhà cung cấp Việt Nam. Chúng tôi đang có 59 nhóm linh kiện cần nội địa hóa và luôn đăng tải trên website. Nhưng các nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm sản phẩm nhựa, bao bì đóng gói, linh kiện in ấn,... trong khi một chiếc máy in có gần 400 linh kiện và nhiều chủng loại khác nhau”, đại diện Canon Việt Nam cho biết.
Thế nhưng, khi tìm kiếm thêm các nhà cung ứng mới, đại diện Canon Việt Nam cho hay doanh nghiệp Việt vẫn chỉ tập trung sự quan tâm vào linh kiện nhựa vì “có lẽ nhựa là dễ làm nhất”.
“Tại sao không phát triển công nghệ kĩ thuật, tìm tòi những linh kiện mà nhà cung cấp không chịu áp lực cạnh tranh lắm”, bà Huyền băn khoăn. “Nếu chỉ đổ dồn vào những linh kiện có nhà cung cấp rồi thì cạnh tranh khốc liệt hơn. Chúng tôi có 59 nhóm hàng cần nội địa hóa, mỗi một nhóm lại gồm nhiều sản phẩm. Một nhóm con ốc có mấy chục loại con ốc, nhựa chính xác còn mấy chục linh kiện nhựa khác”.
Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng đang mang đến cơ hội "ngàn năm có một"
Doanh nghiệp “nội” e dè, tự ti
Đại diện mua hàng của Panasonic cho biết luôn mở ra cơ hội cho tất cả DN trong nước có vốn FDI lẫn DN Việt Nam. Các điều kiện đều đưa ra rõ ràng để xem doanh nghiệp đáp ứng được không. Khi đó, đại diện Panasonic Việt Nam nhận ra sự khác biệt về “thái độ” giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt.
“Sau khi đưa ra các điều kiện như vậy, thái độ của DN FDI rất tích cực. Họ kết nối nghiêm túc và liên tục cho người mua thấy tôi có khả năng đáp ứng được yêu cầu hoặc hiện chưa đáp ứng được nhưng sẽ đáp ứng trong tương lai gần. Còn nhiều doanh nghiệp trong nước có khả năng làm được nhưng lại rụt rè, nghĩ có nhiều đối thủ rồi thì có đủ sức cạnh tranh được không”, đại diện Panasonic nói. “Tại sao phải nghĩ thế? Tôi nghĩ thái độ của mình với yêu cầu của người mua thì nên tự tin. Khi tự tin thì các bước sau không còn quan trọng nữa”.
Chia sẻ với ý kiến của đại diện Panasonic, một doanh nghiệp Việt Nam thừa nhận, sau nhiều năm theo đuổi việc trở thành nhà cung cấp cho Panasonic vẫn thấy “chưa đủ quyết tâm và kiên nhẫn” để điều này thành sự thật.
Doanh nghiệp này cũng băn khoăn chuyện bỏ tiền đầu tư nhà máy thì có đơn hàng hay không. “Đầu tư vài chục tỷ mà không có đơn hàng thì nguy hiểm. Còn nếu không đầu tư thì không có đơn hàng” - nguyên nhân khiến họ đắn đo khi muốn làm nhà cung cấp cho doanh nghiệp FDI.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng có suy nghĩ như vậy. Trong quá trình làm việc với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đại diện Samsung Việt Nam không ít lần nhận được các lời đề nghị: “Chỉ cần Samsung cam kết mua hàng, chúng tôi sẵn sàng vay vốn đầu tư công nghệ để đạt tiêu chuẩn Samsung đưa ra”.
Làm linh kiện điện tử cũng đừng nghĩ sẽ chỉ cung cấp cho Samsung, mà còn phải nghĩ cung cấp cho nhiều doanh nghiệp khác. Điều ấy là rất rủi ro”, đại diện Samsung Việt nam nhắn nhủ.
Đại diện Samsung Việt Nam cho rằng: Chúng ta đang sống trong một thế giới mở, không có sự phân biệt doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản hay Việt Nam. Tính cạnh tranh thể hiện ở giá thành từng linh kiện nhỏ thu mua được. Nếu sản phẩm đạt chất lượng, giá thành, cung cấp ổn định, không lý do gì Samsung không mua của doanh nghiệp Việt Nam cả.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận xét: Mức độ tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu còn rất khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng.
Nguyên nhân chủ yếu là bởi doanh nghiệp FDI thường có sẵn hệ sinh thái riêng đi theo và có chuỗi cung ứng sẵn sàng, hoặc tự phát triển chuỗi khép kín. Mặt khác, doanh nghiệp Việt còn nhỏ bé, chưa đáp ứng được yêu cầu, đôi lúc còn tâm lý e dè, chưa dám chấp nhận rủi ro để đầu tư nâng cấp tiêu chuẩn nên chưa thể vào chuỗi.
“Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng hết khả năng sáng tạo của mình để tìm kiếm cơ hội mới trong một trạng thái thay đổi, dịch chuyển các chuỗi cung ứng như hiện nay, vươn ra thị trường nước ngoài để có thể thâu tóm các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến. Các cấp, các ngành cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ DN chớp lấy thời cơ 'ngàn năm có một', nhằm phục hồi và phát triển chuỗi giá trị bền vững, tạo đà bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.
Lương Bằng