Văn phòng Chính phủ kiến nghị tháo gỡ nhiều vướng mắc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 2/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo về một số vướng mắc trong thực hiện chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Theo Bộ trưởng, nhìn chung, tất cả các nhiệm vụ được giao đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, tích cực, nhất là các giải pháp về thuế, tín dụng, an sinh xã hội. Các kết quả triển khai cũng đã được các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ báo cáo, làm rõ tại Hội nghị.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những vướng mắc trong thực hiện. Cụ thể, với các giải pháp về thuế, một số ngành nghề chưa được hưởng chính sách tại theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP như các doanh nghiệp chiếu phim, đơn vị thông tấn, báo chí, doanh nghiệp xuất khẩu. Một số sắc thuế chưa được xem xét gia hạn như thuế nhập khẩu.
Chính sách gia hạn nộp thuế đối với một số lĩnh vực kinh doanh, nhất là du lịch, hàng không, khách sạn không hiệu quả do doanh thu thấp nên không phát sinh thuế phải nộp để được gia hạn. Quy mô thuế được gia hạn thấp hơn rất nhiều so với dự kiến ban đầu (42.996,9 tỷ đồng so với 180.000 tỷ đồng).
Một số chính sách tại Nghị quyết số 84/NQ-CP chưa được triển khai như gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, giảm 15% tiền thuê đất, miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020.
Về tín dụng, theo phản ánh, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới. Quy trình, thủ tục và hồ sơ liên quan chưa rõ ràng, thống nhất giữa các tổ chức tín dụng. Phần lớn khoản giải ngân từ sau ngày 23/01/2020 không có khả năng trả nợ theo hợp đồng nhưng chưa được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ. Tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại chưa được xem xét điều chỉnh phù hợp để khuyến khích giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Một số bộ, cơ quan, địa phương chưa phân bổ chi tiết hết số vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2020. Tỷ lệ giải ngân thấp hơn cùng kỳ 2019 và chậm hơn so với những tháng đầu năm do vướng mắc liên quan đến Nghị định số 68/2019/NĐ-CP và 69/2019/NĐ-CP; công tác giải phóng mặt bằng chậm, trình tự, thủ tục phê duyệt đấu thầu kéo dài, hạn mức chỉ định thầu còn thấp.
Cùng với đó, qua nắm tình hình và phản ánh của một số địa phương, doanh nghiệp cho thấy quá trình thực thi các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội vẫn còn những hạn chế, bất cập như số lượng đối tượng thụ hưởng chính sách còn ít, còn các tiêu chí, điều kiện đặt ra chưa sát với thực tế…
Từ thực tế trên, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã ban hành, VPCP kính trình Chính phủ nhiều giải pháp để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về thuế, tín dụng, giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư, phát triển du lịch…
Trong đó, để phát triển du lịch, cần tập trung triển khai hiệu quả các Chương trình kích cầu khách du lịch nội địa; khẩn trương đưa Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động ngay đầu Quý III/2020; chuẩn bị nội dung và tổ chức Hội nghị Du lịch toàn quốc (dự kiến tổ chức vào cuối Quý III/2020); trọng tâm là triển khai các giải pháp cơ cấu lại thị trường, sản phẩm du lịch, phù hợp với điều kiện, tình hình mới.
Về thu hút dịch chuyển dòng vốn đầu tư, cần xử lý vướng mắc về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư mở rộng do có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp trước năm 2014; xem xét việc điều chỉnh chỉ tiêu đất khu công nghiệp của một số địa phương nhằm tạo điều kiện cho dịa phương chuẩn bị các điều kiện về đất đai để sẵn sàng đón nhận dòng vốn đầu tư dịch chuyển…
Đối với các địa phương, cần khẩn trương tổ chức triển khai công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và năm 2021.
Tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; thực hiện tốt công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, ưu tiên quỹ đất để thu hút các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tích cực thực hiện các giải pháp tái cơ cấu, đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, bảo đảm thời vụ, thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động có phương án tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2020.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục theo dõi để đề phòng nguy cơ, nắm bắt cơ hội, từ đó Chính phủ có đối sách đúng, kịp thời hơn trên tinh thần vừa phòng thủ chống dịch COVID-19, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế.
Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT có kịch bản tăng trưởng quý III và IV cụ thể. Mục tiêu tăng trưởng là phấn đấu ở mức cao nhất, vào khoảng 3-4%. “Khó khăn gấp đôi, ta phải phấn đấu gấp ba, không chùn bước, không bàn lùi mà phải tiến công để phát triển đất nước, phát triển địa phương mình”.
Từng bộ, từng địa phương thành lập ban chỉ đạo hoặc tổ công tác để thường xuyên rà soát, tháo gỡ, đôn đốc, nhất là tháo gỡ về đầu tư công và một số vướng mắc về thể chế, chính sách hiện nay.
Thủ tướng nhắc lại việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công khi mà nguồn vốn cần giải ngân trong năm 2020 rất lớn (700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD), trong đó 60% nằm ở các địa phương.
Nhấn mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các địa phương lắng nghe khó khăn để tháo gỡ, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.
Tại phiên họp Chính phủ diễn ra sau Hội nghị, các thành viên Chính phủ cũng đã thống nhất chủ trương về điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất của các địa phương để đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư và sử dụng đất hiệu quả.
Hà Chính