Trồng rau bằng smartphone, chị nông dân đều tay thu tiền tỷ
Trồng rau bằng smartphone, chị nông dân đều tay thu tiền tỷ
Sản phẩm bán ra có mã QR truy xuất nguồn gốc, được bán trong nước và xuất khẩu nhờ vào số hoá nông nghiệp mà người nông dân không còn phải lo kêu gọi “giải cứu”.
Số hoá trồng rau
Những quả cà chua chín, rau cải xanh chất lượng được các đơn vị thu mua hết tới tay người tiêu dùng qua các chuỗi thực phẩm sạch và xuất khẩu đi quốc tế. Từ câu chuyện rau củ trồng ra phải bỏ, đi làm từ thiện tới thu tiền tỷ như hiện nay nhờ bước đi táo bạo của người nông dân.
Nói về câu chuyện giải cứu nông sản thời gian gần đây, bà Lê Thị Dung (một nông dân ở xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) rất thấu hiểu vì đã từng rơi vào tỉnh cảnh này. Sản phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch nhưng bế tắc đầu ra, bà phải đi ủng hộ các trường học, làm từ thiện ở các chùa.
Ước mơ trở thành doanh nhân nông nghiệp, năm 2000, bà Dung bắt đầu tích tụ ruộng đất để làm nông nghiệp quy mô lớn. Bà kể, thời kỳ mới khởi nghiệp, đất cải tạo khó khăn, công việc chủ yếu là thuê người làm bằng chân tay nên hiệu quả thấp. Sản phẩm sau khi thu hoạch không có người mua do không có thương hiệu.
Trồng rau theo mô hình ứng dụng công nghệ cao
Gắn bó với nông nghiệp hàng chục năm, bà Dung mới thấy rằng, đầu tư nông nghiệp cần phải bài bản, có lộ trình xây dựng thương hiệu thì mới có thể thành công.
Sớm nhận ra vai trò của công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, bà Dung là những nông dân đầu tiên ứng dụng IOT (Internet vạn vật) vào trang trại của mình. Hệ thống giải pháp này có khả năng đo đạc tất cả các thông số của đất, môi trường, đề xuất thời gian tưới, thời gian chiếu sáng phù hợp theo từng giai đoạn cho các trang trại trồng trọt.
Theo đó, dữ liệu do các cảm biến toàn bộ khu vườn sẽ thu thập được đưa về bộ xử lý tập trung. Hệ thống có thể phân tích và đưa ra các lệnh điều khiển tại chỗ mà không cần chờ hệ thống máy chủ phân tích. Kết quả làm giảm đáng kể thời gian trễ khi điều khiển các hệ thống tưới, điều hòa không khí, đóng - mở và điều khiển các cơ cấu chấp hành... Hơn nữa, cơ chế này cho phép hệ thống vẫn hoạt động bình thường ngay cả khi không có kết nối Internet đến hệ thống máy chủ.
Bà Dung có thể thao tác ngay tại các tủ điều khiển cũng như trên ứng dụng trên điện thoại di động. Từ đó, bà có thể giám sát mọi hoạt động sản xuất và đưa ra các quyết định cần thiết mọi lúc, mọi nơi.
Bà cho biết, tất cả các quy trình từ làm phân, tưới nước tới chăm sóc cây đều có máy tính ghi lại và thực hiện quản lý trên điện thoại. Nhờ vậy, bà dễ dàng nắm bắt được tình hình của trang trại.
Thu tiền tỷ mỗi năm
Nói về hiệu quả khi ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, bà Dung cho hay, với thói quen cũ mất nhiều công sức lao động mà vẫn không đảm bảo chất lượng. Khi có công nghệ, hiệu quả vượt bậc, quá trình sản xuất đã giảm lượng phân, nước tưới và sức lao động giảm mà sản phẩm chất lượng tốt. Sau khi hết vụ có thể xem lại một lịch trình từ đầu đến cuối. Nếu thấy chất lượng, năng suất kém, người nông dân có thể rút kinh nghiệm điều chỉnh chu trình chăm sóc vào vụ sau.
“Hiệu quả rõ rệt là trước phải thuê tới 20 công nhân, thậm chí có thời vụ lên tới 40 người nhưng giờ chỉ cần 10 người có thể điều hành và làm được mọi việc từ xa, điều khiển toàn bộ máy móc. Chất lượng sản phẩm tuyệt đối an toàn, nông sản xuất ra thị trường có sự khác biệt rõ rệt”, bà Dung chia sẻ.
Các mặt hàng chủ đạo là hành lá, dưa chuột, dưa vàng và các loại rau,... cung cấp cho các thị trường lớn như Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng vào các chuỗi thực phẩm sạch và xuất khẩu. Các sản phẩm đều có tem truy xuất nguồn gốc. Hai năm gần đây, doanh thu từ trang trại đạt khoảng 19 tỷ đồng.
Thời gian tới, bên cạnh sản xuất, bà Dung lên kế hoạch để xây dựng nhà máy sấy nông sản để tiêu thụ cho bà con nông dân trong vùng nhằm phát triển nông nghiệp bền vững.
Câu chuyện của bà Dung đặt ra vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Là một quốc gia nông nghiệp với khu vực nông thôn chiếm tới 63% dân cư, 66% số hộ, 68% người làm việc; nông nghiệp chiếm tỷ trọng 13,96% trong GDP, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là tồn tại của nền nông nghiệp nước ta nhiều năm qua, do đó, chuyển đổi số sẽ khắc phục triệt để tồn tại này.
Quản lý và vận hành vườn rau từ điện thoại thông minh
Công nghệ làm giảm công chăm sóc nhưng chất lượng tốt hơn
Hệ thống nguồn nước sạch đảm bảo
Nhật ký nông vụ được ghi chép cẩn thận nhờ máy tính
Vườn rau sạch mang lại nguồn thu cao mỗi năm
Sản phẩm bán ra được tiêu thụ hết và không bị ép giá
Đức Anh - Đức Yên
(Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/trong-rau-bang-smartphone-deu-tay-thu-tien-ty-724037.html)