Quyết liệt phục hồi các hoạt động kinh tế
Một doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Báo Thái Nguyên |
Thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp
HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa thông qua nghị quyết phê duyệt quy định chính sách tín dụng và mức vốn ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP.
vừa thông qua nghị quyết phê duyệt quy định chính sách tín dụng và mức vốn ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP.
Cụ thể, doanh nghiệp có dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành với mức bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xét duyệt.
Thời gian áp dụng tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại, kéo dài 8 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; 6 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư; 5 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư. Riêng trường hợp doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập thì thời gian hỗ trợ lãi suất là 8 năm, dự án tham gia liên kết chuỗi giá trị thì được áp dụng theo chu kỳ sản xuất của sản phẩm.
Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất áp dụng cho 70% tổng mức đầu tư đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, 50% tổng mức đầu tư đối với dự án ưu đãi đầu tư, 30% tổng mức đầu tư đối với dự án khuyến khích đầu tư. Phương thức hỗ trợ sẽ được cấp trực tiếp cho doanh nghiệp hoặc không thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất vay với các khoản vay cụ thể.
Theo nghị quyết trên, hàng năm, tỉnh Khánh Hòa sẽ bố trí 5% vốn chi đầu tư phát triển hàng năm của ngân sách địa phương cho ngành nông nghiệp để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp. UBND tỉnh căn cứ khả năng cân đối vốn, nhu cầu của doanh nghiệp để trình HĐND tỉnh danh mục và mức vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp theo từng dự án cụ thể.
Trong năm 2019, ngành nông nghiệp của tỉnh Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn nhưng đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Cụ thể, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 653 ha đất trồng lúa, trông cây lâu năm kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Tỉnh xây dựng được 7 chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; tổng đàn lợn đạt 285.000 con, tăng 8,5% so với năm 2018; sản lượng khai thác thủy hải sản đạt 97.700 tấn, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 11.300 tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 620 triệu USD.
Tại Trà Vinh, trong 2 ngày 15-16/6, Ban Quản lý Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh (Dự án SME Trà Vinh) tổ chức tập huấn các giải pháp giúp doanh nghiệp Trà Vinh mở rộng và tăng trưởng doanh số.
Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã và cán bộ khối công trên địa bàn tỉnh được cập nhật những kiến thức, mô hình, phương thức kinh doanh thực tiễn để theo kịp xu hướng; được các chuyên gia chia sẻ 4 chuyên đề với những giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp Trà Vinh mở rộng và tăng trưởng doanh số, gồm: tăng trưởng kinh doanh cùng thương mại điện tử; kỹ năng trình bày tài liệu và đàm phán huy động vốn; phát triển thương hiệu cho sản phẩm và doanh nghiệp; nâng tầm thương hiệu với bao bì đúng quy chuẩn.
Ông Lâm Hữu Phúc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh, Giám đốc Dự án SME Trà Vinh cho biết, tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 2.600 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng kí 33.372 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 97.000 lao động.
Tuy nhiên, doanh nghiệp tại Trà Vinh đa phần là nhỏ và vừa nên thời gian qua còn nhiều hạn chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, Bộ các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) đã tài trợ tỉnh Trà Vinh thực hiện Dự án SME, giai đoạn 2014-2020. Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án 12,1 triệu CAD (tương đương khoảng 215 tỷ đồng). Trong số đó, nguồn vốn do Canada tài trợ không hoàn lại 11 triệu CAD, số tiền còn lại do tỉnh Trà Vinh đối ứng.
Mục tiêu của dự án là hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh. Khoảng 200 doanh nghiệp và hơn 194.000 người dân tại 22 xã vùng nông thôn được hưởng lợi từ dự án trong sản xuất, kinh doanh, việc làm, kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ như cầu, đường giao thông, chợ.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Trà Vinh vừa ban hành chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận với thông tin pháp lý. Từ đó, nâng cao nhận thức pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động phòng chống rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp.
Nhiều giải pháp đột phá
Theo ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, trong điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, kinh tế Thái Nguyên vẫn đảm bảo mức tăng trưởng dương.
Để phấn đấu đạt mức tăng trưởng 7,3% của cả năm 2020, cùng với việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, triệt để các biện pháp phòng chống, chống dịch COVID-19, tỉnh tập trung giải quyết các "điểm nghẽn", bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển, để khôi phục và phát triển sản xuất, thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp của tỉnh.
Thái Nguyên cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện hiệu quả việc xúc tiến đầu tư, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư đối với các dự án đã ký kết tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 của tỉnh Thái Nguyên.
Tỉnh cũng ưu tiên quỹ đất tại Khu Công nghiệp Sông Công II nhằm chớp lấy cơ hội thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghiệp chủ đạo và công nghiệp phụ trợ của các tập đoàn lớn dịch chuyển đầu tư từ các nước khác sang, hình thành chuỗi cung ứng mới trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo thống kê mới nhất của tỉnh Thái Nguyên, dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến cho sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2020 tại tỉnh Thái Nguyên chịu ảnh hưởng đáng kể, giá trị sản xuất ước đạt 334,8 nghìn tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 4/2020, khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần hồi phục. Nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại Thái Nguyên đã quay trở lại hoạt động, tích cực, chủ động trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm để khôi phục và phát triển sản xuất.
Điều này giúp cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước phục hồi, nhiều ngành hàng công nghiệp chủ lực đã khởi sắc trở lại, tăng so với cùng kỳ như: sắt thép các loại đạt 737.000 tấn, tăng 17,1% cùng kỳ và bằng 58,5% kế hoạch; xi măng đạt 1,2 triệu tấn, tăng 10,5% cùng kỳ và bằng 52,3%; điện sản xuất đạt 985 triệu kWh, đồng tinh quặng đạt 21.300 tấn, tăng 1,4%....
Các doanh nghiệp đã rất chủ động và có nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh như: áp dụng giờ làm linh hoạt, cắt giảm chi phí sản xuất, tìm kiếm nhiều nguồn cung ứng nguyên liệu, vật liệu thay thế, thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là tập trung khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy, nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh…
Đáng lưu ý, từ đầu năm đến nay, Thái Nguyên vẫn thu hút được 9 dự án đầu tư nước ngoài; trong đó, 8 dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo và 1 dự án thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ với tổng số vốn đăng ký hơn 29,4 triệu USD...
Tại Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái cho biết, trong năm nay và các năm tiếp theo, tỉnh Bắc Giang tập trung thực hiện các giải pháp để khắc phục bằng được những tồn tại, hạn chế. Qua đó, cải thiện mạnh mẽ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của địa phương.
Theo đó, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương ở tỉnh quán triệt, thay đổi nhận thức, tư duy, hành động trong áp dụng các biện pháp để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và công tác cải cách hành chính.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đối với từng chỉ tiêu, thành phần, chỉ tiêu chi tiết đánh giá chỉ số PCI và tự xây dựng kế hoạch, đề ra biện pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế, yếu kém.
Tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm khi thực thi công vụ, gắn với xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Chủ tịch tỉnh Bắc Giang yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương thời gian tới phải đổi mới trong tư duy, nhận thức và hành động trong thi hành công vụ, phải chuyển từ tư duy "cho phép", "cấp phép" sang tư duy "phục vụ"; chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Đồng thời, thực hiện phương châm "4 xin": Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; "4 luôn": Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ và "5 không": Không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà; không quan liêu vô cảm, vô trách nhiệm; không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; không xu nịnh, chạy chọt, gian dối; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ.
Gần nhất, ngày 3/6 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã thành lập tổ công tác tiếp nhận và xử lý thông tin, phản ánh của doanh nghiệp, nhằm xử nghiêm cán bộ, công chức gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Thanh Hằng (tổng hợp)