Giá thép xây dựng trong nước tăng vượt ngưỡng 17 triệu đồng/tấn
Ghi nhận ngày 25.2, một số doanh nghiệp thép xây dựng nâng giá thép thêm 150.000 - 210.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240, đưa mức giá lên khoảng 15,7 - 16 triệu đồng/tấn. Thậm chí, có thương hiệu thép tăng giá bán lên mức vượt 17 triệu đồng/tấn.
Cụ thể, so với lần điều chỉnh ngày 7.2, thương hiệp thép Pomina tại miền Trung điều chỉnh tăng mạnh với mức 1,05 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 thành giá bán là 17,57 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 1,02 triệu đồng/tấn, lên thành 17,6 triệu đồng/tấn.
Giá thép xây dựng tiếp tục tăng
NGỌC THẮNG
Thép Hòa Phát tại miền Bắc, miền Trung nâng giá bán lên 200.000 đồng/tấn đối với dòng thép cuộn CB240; giá thép ở 2 miền lần lượt ở mức 15,96 triệu đồng/tấn và 15,88 triệu đồng/tấn.
Tại miền Nam, thép Hòa Phát tăng 150.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 lên thành 15,98 triệu đồng/tấn.
Tương tự, nhiều thương hiệu thép khác cũng nâng giá bán ra. Cụ thể, thép Việt Ý cũng nâng 200.000 đồng/tấn với dòng thép cuộn CB240 lên 15,91 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Đức cũng tăng giá bán thép cuộn CB240 lên thành 15,71 triệu đồng/tấn, mức tăng 210.000 đồng/tấn.
Thép cuộn CB240 của thép Việt Sing cũng tăng 200.000 đồng/tấn lên thành 15,83 triệu đồng/tấn…
Ghi nhận từ đầu năm đến nay, giá thép cuộn CB240 đã điều chỉnh tăng giá 5 đợt, mức tăng giá tùy thuộc vào thương hiệu thép.
Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, bình quân giá thép nội địa hiện tăng khoảng 5% so với cuối năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 8%.
Về nguyên nhân tăng giá, theo VSA, là do nguyên liệu đầu vào tăng nhiều khiến các nhà máy trong nước tăng giá bán để bù lại giá thành sản phẩm, giảm lỗ. Tuy nhiên, giá bán thép thành phẩm tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào nên hiệu quả kinh doanh của các công ty thép chưa cao.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, lo ngại việc giá thép xây dựng tăng liên tục tác động rất lớn đến giá thành xây dựng các công trình, tạo áp lực trực tiếp lên các nhà thầu xây dựng. Trường hợp chủ đầu tư công trình không đồng ý đàm phán lại giá xây dựng, nguy cơ mất lãi, thậm chí là lỗ chắc chắn sẽ xảy ra.
Cũng theo ông Hiệp, trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng có nhiều biến động phức tạp như từ đầu năm 2022 đến nay và chưa có dấu hiệu ổn định hơn, nhiều nhà thầu gặp khó khăn.
Thêm vào đó, thị trường bất động sản trầm lắng, ít dự án mới được khởi công làm nguồn việc làm giảm mạnh. Nhà thầu xây dựng đang gặp rủi ro cả về biến động giá cả lẫn mức độ cạnh tranh việc làm.
Chưa kể, với công trình dùng vốn ngân sách, nhà thầu lại thêm rủi ro về các định mức, đơn giá theo quy định không được cơ quan quản lý các địa phương cập nhật đúng, đủ theo diễn biến thị trường.