Báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020
I- Tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2019
- Tính đến hết năm 2019, cả nước có 758.610 DN đang hoạt động, tăng 12,25% so với cùng kỳ năm 2018. Trong năm 2019, số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng 7,4% so với năm 2018, trong khi đó số DN rút lui khỏi thị trường tăng 20%. Các DN thành lập mới chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với mức vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm gần 89% tổng số DN thành lập mới. Đáng chú ý, có sự gia tăng tương đối cao về số DN thành lập mới có mức vốn trên 100 tỷ đồng (tăng 13,2% so với năm 2018).
- Một số ngành có số DN đăng ký thành lập gia tăng liên tục trong 03 năm (2017-2019), như: khoa học, công nghệ, quảng cáo và chuyên môn khác; kinh doanh bất động sản; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; y tế và trợ giúp xã hội; giáo dục và đào tạo; công nghiệp, chế biến, chế tạo;…
Trong năm 2019, cả 06 vùng lãnh thổ đều có sự gia tăng về số DN thành lập mới so với năm 2018. Tuy nhiên, tốc độ tăng DN chưa đồng đều giữa các vùng trên toàn quốc, chủ yếu vẫn tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ (chiếm 42,5% cả nước) và khu vực Đồng bằng Sông Hồng (chiếm 30,3% cả nước).
- Về khu vực doanh nghiệp dân doanh (DNDD): Năm 2019, số DNDD chiếm khoảng 96,8% tổng số DN. Trong đó, khoảng 70% số DNDD có phát sinh doanh thu (cùng kỳ năm 2018 là 71,06%). Tổng doanh thu năm 2019 của DNDD là 17,6 triệu tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2018. Dự kiến đóng góp của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (chủ yếu là DNDD) năm 2019 đạt khoảng 241 nghìn tỷ đồng, chiếm 17% tổng thu ngân sách.
- Các DN FDI hiện chiếm khoảng 2,8% tổng số DN. Vốn đăng ký năm 2019 đạt 38,95 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2018, là mức thu hút vốn lớn thứ hai trong hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam (chỉ sau năm 2008 thu hút được trên 64 tỷ USD), và đạt mốc cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Đầu tư theo hình thức góp vốn đầu tư (mua cổ phần) có xu hướng tăng mạnh. Đối tác đầu tư vẫn chủ yếu từ châu Á (chiếm 83,6% tổng vốn đăng ký), châu Mỹ (gần 7%), châu Âu (5,1%, chủ yếu là EU chiếm 90,2%). Dự kiến đóng góp của khu vực DN FDI vào ngân sách nhà nước năm 2019 ước đạt 213 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 15% tổng thu ngân sách.
- Các DN có vốn nhà nước hiện chiếm khoảng 0,4% tổng số DN, trong đó số DN 100% vốn nhà nước chiếm 0,18%. Trong năm 2019, tiến độ cổ phần hoá các DNNN và triển khai thoái vốn nhà nước còn chậm, còn nhiều DN phải thực hiện thoái vốn với giá trị lớn; có 12 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên trong đó chỉ có 03 DN thuộc danh mục các DN cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 (02 DN) và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg (01 DN) của Thủ tướng Chính phủ.
- Số lượng các DN niêm yết trên Thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và Hà Nội (HNX) trong năm 2019 là 725 công ty (bao gồm cả 08 DN FDI). Năm 2019, tổng số vốn huy động trên thị trường chứng khoán của các công ty này là 87 nghìn tỷ đồng, tăng 21,5% so với năm 2018.
Kết thúc năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 517,26 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2019 xuất siêu 11,12 tỷ USD, mức cao nhất trong 04 năm liên tục xuất siêu. Trong 2 năm 2018 và 2019, số lượng DN trực tiếp tham gia các hoạt động xuất nhập khẩu liên tục tăng.
II- Tình hình hoạt động của DN trong 5 tháng đầu năm 2020
- Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 ngay từ đầu năm 2020 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế. Trong đó, DN là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Doanh thu, doanh số của các DN trong 5 tháng đầu năm 2020, đặc biệt là các tháng 2-3-4, bị giảm mạnh, thậm chí thua lỗ,chủ yếu là các nhóm ngành: du lịch, hậu cần du lịch, nhà hàng, khách sạn và vận tải. Các DN phải đối mặt với “khó khăn kép”: vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hoá và xuất khẩu, nhất là các mặt hàng dệt may, da giầy, điện tử, điện thoại, du lịch,… Gánh nặng chi phí sản xuất kinh doanh gia tăng trong khi dòng tiền dần thiếu hụt. Nhiều DN, đặc biệt trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, du lịch, dệt may, da giầy,… phải cắt giảm lao động để giảm chi phí; khả năng cầm cự không thể kéo dài. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của những quý, năm tiếp theo.
- Theo kết quả khảo sát nhanh ngày 21 tháng 5 năm 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, có tới 85,7% số DN trên phạm vi cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; theo quy mô, các DN có quy mô càng lớn, tỷ lệ DN chịu tác động càng cao. Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu của các DN hiện nay. Đáng chú ý, có tới 47,2% trong số các DN có hoạt động xuất khẩu khẳng định thời gian qua không xuất khẩu được.
- Thu hút đầu tư nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2020 giảm cả về số lượng và tổng vốn đầu tư đăng ký. Tính đến 20/5/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNNđạt 13,89 tỷ USD, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 6,7 tỷ USD, bằng 91,8% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế đến ngày 20/5/2020, cả nước có 32.025 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 376,6 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 218,48 tỷ USD, bằng 58% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý I năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề, cụ thể là: Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam VN-Index đứng ở mức 662,53 điểm, tương ứng giảm 31,06% so với cuối năm 2019. Việt Nam lọt vào top 10 thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới theo số liệu của Indexq.
Trong tháng 5/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận sự phục hồi mạnh nhờ việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dần trở lại bình thường. Tính chung trong hai tháng 4 và 5, VN-Index đã tăng khoảng 30% so với đáy hồi cuối tháng 3. Đa phần các cổ phiếu đã tăng giá ít nhất 30%, nhiều cổ phiếu tăng từ 50-70%.
Các số liệu về tình hình đăng ký DN quý I năm 2020 cho thấy, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cộng đồng DN, thể hiện ở mức gia tăng thấp về số DN thành lập mới (tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019), việc giảm sút về số vốn bổ sung hoặc cam kết đưa vào kinh doanh (giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2019), quy mô DN bị thu hẹp và sự gia tăng lớn của số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019).
Tuy nhiên, từ đầu tháng 5/2020, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh và giao thương bắt đầu quay trở lại, cả nước có 10.728 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 112,7 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 91,5 nghìn lao động, tăng 36,1% về số DN, tăng 20,1% về vốn đăng ký và tăng 27% về số lao động so với tháng trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có 5.056 DN quay trở lại hoạt động, tăng 32,7% so với tháng trước và tăng 105,4% so với cùng kỳ năm 2019.
1. Khó khăn và thách thức
Theo đánh giá của các tổ chức có uy tín trong nước và quốc tế, hiện nay rất khó dự báo được các diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, đa số các chuyên gia đầu ngành và các tổ chức đều nhận định: đại dịch Covid-19 sẽ làm đà suy giảm kinh tế trở nên trầm trọng hơn; kinh tế thế giới, khu vực, trong nước nói chung và cộng đồng DN nói riêng sẽ phải đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro, khó khăn về mọi mặt; các nhóm ngành sản xuất, đầu tư đặc biệt là sản xuất gắn với chuỗi sản xuất, cung ứng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu,… chưa thể phục hồi; hoạt động sản xuất của DN còn tiếp tục phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ hậu quả của biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn;…
2. Thời cơ phát triển DN trong thời gian tới
Hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao qua những thành công đạt được từ công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua. Đây là cơ hội “vàng” để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch.
Giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cũng là cơ hội để các DN tự kiểm chứng được sức chịu đựng và khả năng thích nghi của mình; tự đánh giá về thực trạng sản xuất kinh doanh, điểm mạnh, điểm yếu và lợi thế cạnh tranh, cải tiến mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng hiệu quả và bền vững.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng tạo ra thay đổi về cầu đối với một số sản phẩm, dịch vụ; đem lại cơ hội thị trường mới cho các DN Việt Nam có thể tận dụng. Bên cạnh đó, một số chính sách hội nhập quốc tế mới được ký kết và có hiệu lực sẽ tạo điều kiện cho các DN Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, hình thành chuỗi giá trị mới.
(i) Thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở DN phát triển.
(ii) Phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy; xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới: Xây dựng chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào bền vững, tự chủ; Phát triển thị trường nội địa, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch.
(iii) Hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.
(iv) Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, phát triển nhân lực.
(v) Khai thác tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mới.
(vi) Hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
2. Về phía các doanh nghiệp
- Tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, phát huy tính chủ động tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc DN; chú trọng đào tạo nâng cao năng lực quản trị DN, tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực khoa học công nghệ để biến thách thức thành cơ hội, tạo chuẩn giá trị mới; quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước, mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo đà phát triển bền vững, bứt phá.
- Phát huy sức mạnh đoàn kết, tăng cường liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng DN trong nước, tạo ra các chuỗi liên kết, cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài; chung sức cùng các cấp, các ngành thực hiện tốt các chính sách, giải pháp để vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, đóng góp chung cho nền kinh tế.
- Có chiến lược khuyến mại hấp dẫn, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
- Tăng cường kết nối với các cơ sở đào tạo để xây dựng nguồn nhân lực phù hợp, ưu tiên sử dụng, tạo việc làm cho người lao động trong nước, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
- Chủ động tìm hiểu thông tin, trang bị các điều kiện cần thiết, sẵn sàng tận dụng cơ hội, lợi thế của các FTAs mới để chuyển hướng, tạo chuỗi giá trị mới, củng cố và mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu Việt trên trường quốc tế.
3. Đối với hiệp hội DN và các tổ chức có liên quan
- Chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực để kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho DN hội viên và ngành hàng đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tận dụng cơ hội mới và thực hiện sản xuất kinh doanh an toàn và hiệu quả; tăng cường các hoạt động liên kết, chia sẻ thị trường, thông tin, khách hàng, nguyên vật liệu,… Đồng thời, kịp thời đề xuất với Chính phủ và các cấp, các ngành liên quan các giải pháp, sáng kiến để phát triển DN, phục hồi nền kinh tế.